4.8/5 - (5 votes)

Bài viết được cập nhật ngày 11/09/2023

Bạn chuẩn bị tốt nghiệp THPT và cần chọn hướng đi tiếp theo cho cuộc đời mình? Bạn đang làm trong ngành công nghệ thông tin nhưng bạn thấy không phù hợp với ngành đó? Và trong lúc tìm hướng đi cho cuộc đời mình, bạn bắt gặp 1 ngành được rất nhiều người nhắc tới! Đó chính là ngành Marketing! Vậy Ngành Marketing là gì? Học ngành Marketing có dễ xin việc không? Và tất tần tật về ngành Marketing sẽ có trong bài viết này!

Các hướng đi của bạn khi bước vào ngành Marketing

Các hướng đi của bạn khi bước vào ngành Marketing

Ngành Marketing là gì?

Ngành Marketing là một ngành bao gồm tất cả các công việc với mục đích cuối cùng là làm cho khách hàng biết tới sản phẩm/dịch vụ của 1 doanh nghiệp nào đó, tạo ra nhu cầu cho khách hàng và làm cho khách hàng mua sản phẩm/dịch vụ đó.

Học ngành Marketing có khó không? Sau khi học xong có dễ xin việc không?

Theo EZ Marketing, thì ngành Marketing là một ngành dễ học và dễ xin việc nhất trong các ngành hiện nay. Trong ngành Marketing lại có rất nhiều công việc để bạn lựa chọn khi bước chân vào ngành Marketing.

Ví dụ: nếu bạn là một người viết văn khá tốt, bạn có thể chỉ cần mua 1 quyển sách về Marketing và có thể trở thành Content Marketing. Sau đó, bạn có thể xin việc tại các công ty tuyển dụng nhân viên viết content website, hoặc content quảng cáo. Như vậy, bạn có thể chưa tốn tới 1 tháng thì bạn đã có thể bước chân vào ngành Marketing.

Một ví dụ khác, bạn thích thiết kế hình ảnh? Bạn có thể học 1 bộ video trên Youtube về nguyên tắc thiết kế, cách phối màu, cách sử dụng các công cụ thiết kế hình ảnh như Photoshop, thiết kế Canva…và bạn đã trở thành Design trong ngành Marketing. Bạn có thể dễ dàng xin việc tại các công ty đang tuyển dụng vị trí thiết kế logo, banner, thiết kế hình ảnh quảng cáo, thiết kế hình ảnh cho website…

Nhưng các bạn chú ý, trên chỉ là bước đầu để bạn bước chân vào ngành Marketing. Sau đó, bạn sẽ cần một khoảng thời gian rất dài để học tập, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm của mình.

Học ngành marketing mất bao lâu?

Như EZ Marketing đã trình bày ở phần “Học ngành Marketing có dễ xin việc không?” thì ngành Marketing có rất nhiều chuyên ngành, nghề khác nhau. Có những chuyên ngành, nghề bạn chỉ cần học trong 1 tháng mà bạn có thể xin được việc. Nhưng để giỏi trong chuyên ngành đó thì bạn có thể mất tới 3 – 4 năm học tập và làm việc liên tục.

Học ngành Marketing mất bao lâu sẽ phụ thuộc vào:

  1. Khả năng học tập của bạn: nếu bạn là một người có tố chất trong ngành marketing thì bạn có thể học Marketing nhanh hơn người khác.
  2. Số thời gian bạn bỏ ra để học tập: ví dụ mỗi ngày bạn dành 4 tiếng để học và thực hành Marketing thì bạn có thể mất tới 6 – 7 năm mới trở thành chuyên gia Marketing, nhưng nếu bạn dành 8 tiếng mỗi ngày thì bạn chỉ mất 3 – 4 năm để trở thành chuyên gia Marketing.
  3. Sự quyết tâm: nếu bạn dành nhiều thời gian để học và làm Marketing nhưng bạn không có quyết tâm trong việc cải thiện và nâng cao kiến thức của mình nhanh chóng thì bạn sẽ đi rất chậm.
  4. Phương pháp học: bạn có biết nguyên tắc 80/20, trong Marketing cũng có thể áp dụng nguyên tắc này. Tức là, chỉ cần bạn học 20% kiến thức Marketing thì bạn có thể tạo ra 80% hiệu quả trong ngành Marketing. Do vậy, bạn cần biết chọn lọc những gì cần học, cần làm, từ đó rút ngắn thời gian học Marketing.
  5. Vị trí mà bạn muốn trong ngành marketing: nếu bạn chỉ muốn trở thành một nhân viên marketing thông thường thì bạn sẽ chỉ cần học những kiến thức chuyên ngành đó(ví dụ bạn chỉ muốn làm nhân viên content quảng cáo thì bạn chỉ cần tập trung nâng cao kiến thức chuyên ngành content marketing).
  6. Người hướng dẫn: nếu bạn chọn một người hướng dẫn học tập tốt thì bạn sẽ đi nhanh hơn việc tự mò mẫm tìm đọc các kiến thức trên Internet.

Có cần đi học Đại học mới có thể làm Marketing?

Hiện nay, kiến thức Marketing trên Internet có thể giúp bạn không cần học đại học mà vẫn có thể xin vào các vị trí Marketing tại các công ty đang tuyển dụng các vị trí Marketing. Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm kiến thức trong ngành Marketing trên toàn thế giới, những kiến thức Marketing mới nhất luôn được cập nhật. Nếu bạn có khả năng tự học thì tự học Marketing trên Internet là một lựa chọn tuyệt vời vì có những kiến thức Marketing ở trường Đại học đã lỗi thời, chưa cập nhật kịp, nhưng trên Internet đã có những kiến thức đó.

Nhưng trên Internet có những thông tin, kiến thức Marketing sai lệch, có thể làm cho bạn học sai và hiểu sai, từ đó gây ra lãng phí thời gian và công sức, cuối cùng không làm được việc Marketing.

Do vậy, nếu bạn không muốn theo học ngành Marketing ở các trường đại học vì nó tốn quá nhiều thời gian, thì theo EZ Marketing, thời gian đầu, bạn có thể đăng ký tham gia một khóa học tổng quát về Marketing tại các trung tâm lớn(mất từ 6 tháng –  1 năm). Sau khi đã có kiến thức nền tảng về Marketing, thì bạn có thể lựa chọn chuyên ngành Marketing và tự học sâu về chuyên ngành đó để phát triển khả năng của mình.

Có thể bạn quan tâm: ngành Marketing học trường nào tốt nhất?

Chuyên ngành Marketing là gì? Các chuyên ngành trong ngành Marketing

Chuyên ngành Marketing là gì?

Chuyên ngành Marketing là các ngành nghề, công việc thuộc lĩnh vực Marketing mà bạn có thể học chuyên sâu để trở thành chuyên gia trong 1 chuyên ngành đó.

Ví dụ: Digital Marketing là một chuyên ngành Marketing, nếu đi theo chuyên ngành này thì bạn sẽ làm các công việc Marketing liên quan đến các nền tảng Internet và kỹ thuật số.

Một ví dụ khác: Nghiên cứu thị trường là một chuyên ngành Marketing, nếu đi theo chuyên ngành này thì bạn sẽ phải nghiên cứu và phân tích nhu cầu khách hàng, tìm ra Insight khách hàng, tìm ra khoảng trống thị trường chưa được khai thác…

Các chuyên ngành trong ngành Marketing

Có rất nhiều cách phân chia các chuyên ngành trong Marketing, tùy thuộc vào trường Đại Học, Cao Đẳng, Trung cấp đào tạo mà có các cách phân chia chuyên ngành riêng. EZ Marketing đã tổng hợp lại các cách phân chia chuyên ngành Marketing phổ biến tại các trường hiện này, các chuyên ngành trong Marketing được phân chia như sau:

  1. Digital Marketing: Đây là chuyên ngành đang phát triển nhanh nhất trong Marketing. Digital Marketing bao gồm các hoạt động như quảng cáo trực tuyến(Google Ads, Facebook Ads,…), tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), quảng bá truyền thông mạng xã hội, email marketing, video marketing, content marketing…
  2. Quản lý thương hiệu(Brand Manager): bạn sẽ phải tập trung vào việc xây dựng và quản lý thương hiệu của một công ty. Công việc của bạn có thể bao gồm phát triển chiến lược thương hiệu, quản lý hình ảnh thương hiệu,…
  3. Nghiên cứu thị trường(Marketing research): bạn sẽ phải nghiên cứu và phân tích thông tin thị trường để giúp các công ty hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng và đưa ra các quyết định chiến lược thích hợp. Công việc của bạn có thể bao gồm thiết kế và thực hiện các cuộc khảo sát, phân tích dữ liệu thị trường, đưa ra đề xuất chiến lược,…
  4. Sáng tạo nội dung: bạn sẽ phải tập trung vào việc sáng tạo nội dung(hình ảnh, content, video) cho các chiến dịch Marketing, nội dung phải độc đáo và thu hút sự chú ý của khách hàng. Công việc của bạn có thể bao gồm lên ý tưởng sáng tạo viết bài quảng cáo, thiết kế đồ họa, sản xuất video,…
  5. Quản trị Marketing: bạn sẽ phải nghiên cứu khách hàng, đối thủ, thị trường sau đó lên chiến lược, lập kế hoạch cho hoạt động marketing và triển khai một dự án Marketing. Sau đó đo lường, đánh giá, điều chỉnh để đưa dự án đó đạt được mục tiêu đề ra của công ty.
  6. Và rất nhiều chuyên ngành khác như: thương mại điện tử, quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện, quản trị kênh phân phối, quản trị quảng cáo…Tùy thuộc vào các trường phân chia chuyên ngành Marketing.

Làm sao để giỏi trong lĩnh vực Marketing

Để trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực Marketing thì bạn cần:

  1. Lựa chọn và học sâu 1 chuyên ngành: Các cụ xưa đã có câu “1 nghề thì sống, đống nghề thì chết”, tức là nếu mỗi thứ bạn biết một chút thì bạn sẽ không thể trở thành một chuyên gia được. Bạn nên học sâu 1 chuyên ngành trong marketing. Ví dụ bạn nên học sâu về SEO, content Marketing hoặc học sâu về quảng cáo…
  2. Thực hành, thực hành và thực hành: sau khi học xong một phần kiến thức Marketing nào đó, thì bạn nên áp dụng nó ngay vào công việc, dự án của mình nếu không sử dụng kiến thức đó ngay thì nó chỉ là kiến thức trên giấy, kiến thức của người khác chứ chưa phải kiến thức của bạn.
  3. Rút kinh nghiệm: sau khi áp dụng các kiến thức đã học, bạn phải xem nó có đạt được kết quả như mong muốn không. Nếu thất bại thì bạn phải tìm ra nguyên nhân vì sao nó thất bại, còn thành công thì vì sao nó thành công. Từ đó, bạn sẽ có những kinh nghiệm Marketing của riêng mình.
  4. Học hỏi từ các chuyên gia trong ngành Marketing hoặc thương hiệu nổi tiếng: để rút ngắn thời gian trở thành chuyên gia Marketing thì bạn nên tìm và học hỏi từ những chuyên gia nổi tiếng trong ngành, hoặc có thể phân tích cách làm marketing từ các thương hiệu nổi tiếng. Nếu bạn biết tiếng anh thì thật tuyệt vời, bạn có thể học Marketing từ những tài liệu tiếng anh trên các website nổi tiếng trên thế giới, vì các kiến thức Marketing mới sẽ được cập nhật mới nhất trên thế giới.
  5. Sẵn sàng lắng nghe: nếu bạn được người khác chỉ ra cái sai thì bạn nên tập trung lắng nghe, không nên tự cho mình là đúng. Sau khi lắng nghe thì mới phân tích những ý kiến góp ý của người đó là đúng hay sai, từ đó đúc rút kinh nghiệm cho mình.

Lương ngành Marketing có cao không?

Mức lương ngành Marketing sẽ phụ thuộc vào khả năng của bạn và vị trí bạn muốn ứng tuyển. EZ Marketing Marketing sẽ đưa ra mức lương trung bình mà một người làm Marketing có thể kiếm được theo vị trí ứng tuyển:

  • Internship Marketing/Thực tập sinh Marketing: khi bạn mới bước chân vào ngành Marketing, chưa có kinh nghiệm thì đây là vị trí phù hợp đối với bạn. Mức lương cho vị trí này thường từ 1 triệu/tháng – 5 triệu/tháng.
  • Nhân viên Marketing: có thể là nhân viên chạy quảng cáo, viết content, làm SEO, xây dựng MXH. Đây là vị trí cho bạn sau khi hoàn thành tốt vị trí thực tập sinh Marketing. Mức lương cho vị trí nhân viên Marketing thường từ 5 triệu/tháng – 10 triệu/tháng.
  • Leader Marketing/Chuyên viên Marketing: sau khi vượt qua vị trí nhân viên Marketing thì bạn đã có kinh nghiệm nhất định trong ngành. Bạn sẽ ứng tuyển vào vị trí Leader Marketing hoặc Chuyên viên Marketing. Mức lương cho vị trí này có thể từ 10 triệu/tháng – 20 triệu/tháng.
  • Trưởng phòng Marketing: sau khi làm leader Marketing/Chuyên viên marketing thì bạn có thể tự tin ứng tuyển vị trí trưởng phòng Marketing. Mức lương cho vị trí này có thể từ 20 triệu/tháng – 50 triệu/tháng.
  • Giám đốc Marketing: sau khi làm trưởng phòng Marketing thì bạn có thể ứng tuyển vào vị trí giám đốc Marketing. Mức lương cho vị trí này có thể từ 50 triệu/tháng – 100 triệu/tháng

Học xong ngành Marketing thì xin việc ở đâu? Vị trí nào?

Bạn có thể xem chi tiết trong bài: Học ngành Marketing ra làm gì?

Học xong ngành Marketing thì xin việc ở đâu?

Sau khi học xong Marketing thì bạn có thể xin vào:

  1. Các công ty cung cấp dịch vụ Marketing(Agency): đây là các công ty cung cấp dịch vụ Marketing(như dịch vụ quảng cáo, dịch vụ SEO, dịch vụ Content,…) cho các công ty khác có nhu cầu.
  2. Các công ty đang tuyển vị trí Marketing Inhouse: đây là các công ty không cung cấp dịch vụ Marketing. Họ không muốn thuê Agency Marketing mà muốn xây dựng 1 phòng Marketing tại công ty họ cho dễ quản lý.
  3. Công ty nghiên cứu thị trường (Research Agency): đây là các công ty chuyên nghiên cứu về thị trường, về khách hàng, về đối thủ trong ngành. Cụ thể, những công ty này sẽ đi nghiên cứu trực tiếp thị trường thông qua bảng hỏi khách hàng, phỏng vấn trực tiếp khách hàng mục tiêu,… Sau đó, họ tiến hành xây dựng, thực thi và phân tích kết quả đó.
  4. Giảng dạy Marketing tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, hoặc các trung tâm đào tạo ngành Marketing
  5. Tham gia các dự án khởi nghiệp: đây có thể là một lựa chọn thú vị dành cho những bạn muốn trải nghiệm thật nhiều công việc Marketing khác nhau. Khi vào một dự án khởi nghiệp, bạn sẽ được làm rất nhiều công việc trong Marketing như SEO website, làm nội dung, chạy quảng cáo, thiết kế ảnh…

Học Marketing xong xin vào vị trí nào?

Bạn có thể xem chi tiết trong bài: Các vị trí trong ngành Marketing

Tùy theo khả năng và kinh nghiệm của bạn. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm thực tế thì bạn nên xin vào vị trí thực tập sinh ở các công ty theo đúng chuyên ngành bạn học. Ví dụ bạn học SEO thì bạn có thể xin vào các công ty đang tuyển vị trí thực tập SEO. Còn nếu bạn vẫn chưa chọn ra được chuyên ngành Marketing cụ thể thì bạn có thể xin vào vị trí thực tập sinh Marketing.

Còn nếu bạn đã có kinh nghiệm tham gia vào các dự án thực tế thì bạn có thể xin vào các vị trí nhân viên Marketing trong các công ty đang tuyển dụng vị trí chuyên ngành bạn đã học và làm. Ví dụ bạn có thể xin vào vị trí nhân viên SEO, nhân viên quảng cáo Facebook, nhân viên content website…

Các hướng đi của bạn khi bước vào ngành Marketing

Có 3 hướng đi chính khi bạn bước vào ngành Marketing đó là: trở thành chuyên gia Marketing, trở thành quản lý Marketing hoặc mở công ty Marketing.

Trở thành chuyên gia Marketing

Bạn có thể chọn 1 chuyên ngành nhỏ trong ngành Marketing và trở thành chuyên gia trong chuyên ngành đó. Ví dụ chuyên gia SEO, chuyên gia Content Marketing, chuyên gia thiết kế,…Để trở thành chuyên gia Marketing thì bạn cần lựa chọn 1 chuyên ngành phù hợp và học thật sâu chuyên ngành đó.

Trở thành quản lý Marketing

Khi đi theo lĩnh vực Marketing, bạn có thể trở thành quản lý Marketing. Ví dụ như Team leader Marketing, trưởng phòng Marketing, giám đốc Marketing…

Để trở thành quản lý Marketing thì bạn không cần chuyên sâu 1 chuyên ngành nào cả mà bạn cần có kiến thức chung về tất cả chuyên ngành trong marketing như SEO, content, thiết kế, quảng cáo, phân tích khách hàng…Và quan trọng nhất là bạn phải có kỹ năng lãnh đạo, lập kế hoạch, lên chiến lược.

Mở công ty Marketing

Đây là hướng đi cần rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực Marketing. Ngoài các kiến thức về Marketing, bạn còn cần các kiến thức về kế toán, bán hàng(sale), tài chính,…

Những kỹ năng cần có để theo ngành Marketing

Mỗi ngành/lĩnh vực đều cần có các kỹ năng khác nhau. Và ngành Marketing cũng vậy. Nếu bạn lựa chọn ngành Marketing thì bạn cần trau dồi các kỹ năng sau:

  1. Kỹ năng tự học: vì ngành marketing thay đổi liên tục, những kiến thức Marketing bạn đã học có thể sẽ sớm bị lỗi thời. Do vậy, kỹ năng tự học là không thể thiếu nếu bạn không muốn bị tụt lại phía sau với những kiến thức lỗi thời.
  2. Kỹ năng lập kế hoạch: đây là 1 kỹ năng không thể thiếu của bất kỳ Marketer nào, dù bạn là nhân viên hay trưởng phòng Marketing thì đều cần có 1 bản kế hoạch riêng cho công việc của mình.
  3. Kỹ năng phân tích, đánh giá: Một marketer(người thực hiện 1 công việc Marketing nào đó gọi là Marketer) cần phải có kỹ năng phân tích dữ liệu để đưa ra các quyết định dựa trên các số liệu đó. Khi thực hiện một công việc Marketing, thì bạn phải phân tích, đánh giá được công việc mình làm ra có đem lại hiệu quả cho chiến dịch Marketing của mình không. Đôi khi, trong Marketing có rất nhiều công việc khó đánh giá hiệu quả ví dụ như thiết kế ảnh rất khó đánh giá hiệu quả.
  4. Kỹ năng làm việc nhóm: vì Marketing là tập hợp các công việc chứ không phải một công việc đơn lẻ, do vậy bạn sẽ phải làm việc với nhiều người khác. Ví dụ bạn làm SEO Marketing thì bạn sẽ phải làm việc với nhân viên thiết kế hình ảnh, nhân viên content và cả trưởng phòng Marketing.
  5. Kỹ năng giao tiếp: Marketer cần phải làm việc nhóm với các thành viên khác, khảo sát khách hàng, báo cáo công việc với cấp trên…Do vậy, kỹ năng giao tiếp là không thể thiếu với một người làm marketing.
  6. Kỹ năng tìm kiếm thông tin: Vì ngành Marketing thay đổi rất nhanh, do vậy một marketer giỏi cần phải biết cách tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, và phải loại bỏ những thông tin sai.
  7. Ngoài ra, Marketer còn cần rất nhiều kỹ năng khác như kỹ năng quản lý công việc, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng lên mục tiêu…

Marketing có phải là nhân viên bán hàng(sale)?

Nhiều người rất hay nhầm lẫn giữa Marketing và bán hàng! Chúng tôi xin khẳng định, Marketing và Sale là 2 ngành khác nhau, các kỹ năng và công việc của Marketing và Sale cũng khác nhau:

  • Marketing bao gồm tất cả các hoạt động liên quan đến việc tìm hiểu khách hàng tiềm năng, quảng bá và tiếp thị sản phẩm/dịch vụ của một công ty đến khách hàng tiềm năng. Các hoạt động Marketing bao gồm phân tích thị trường, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, lên chiến lược tiếp thị và quảng cáo, nghiên cứu sản phẩm, phân tích đối thủ cạnh tranh, và phân tích khách hàng.
  • Sales(bán hàng) là quá trình tìm kiếm, tiếp cận và chốt đơn hàng với khách hàng để bán sản phẩm hoặc dịch vụ. Các hoạt động Sales bao gồm xây dựng quan hệ khách hàng, thuyết phục khách hàng mua sản phẩm, đàm phán giá cả và thực hiện giao dịch.

Tuy Marketing và Sales là 2 ngành khác nhau nhưng giữa chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Marketing giúp tạo ra nhu cầu của khách hàng, tạo ra sự quan tâm của khách hàng với sản phẩm/dịch vụ của công ty, còn Sale giúp chuyển đổi nhu cầu đó thành đơn hàng và doanh thu cho công ty.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến chủ đề ngành Marketing, hãy để lại bình luận dưới bài viết này, chúng tôi sẽ sớm giải đáp cho bạn.

Nếu bạn thấy nội dung bài viết về ngành Marketing hữu ích với bạn, hãy chia sẻ nó cho mọi người cùng biết bằng cách click vào các nút share ở cuối bài viết này!