5/5 - (3 votes)

Bài viết được cập nhật ngày 22/06/2024

Nếu bạn đang tìm hiểu lĩnh vực Marketing thì có lẽ bạn đã từng nghe mô hình Marketing mix 4P. Nhưng có lẽ bạn chưa tìm hiểu sâu về chủ đề này! Trong bài viết này, EZ Marketing muốn giải thích chi tiết về 4P trong Marketing là gì? Cách áp dụng mô hình 4P vào dự án Marketing hiệu quả nhất!

Tổng quan về 4P Marketing

4P trong Marketing là gì?

4P trong Marketing là gì?

4P trong Marketing là gì?

4P Marketing là một trong những chiến lược marketing mix, nó còn được gọi với các tên khác như là chiến lược marketing mix 4P, mô hình 4P…

4P là viết tắt của 4 chữ P, đó là:

  1. Product: sản phẩm/dịch vụ
  2. Price: giá cả
  3. Place: Địa điểm, Phân phối
  4. Promotion: truyền thông, xúc tiến

Mỗi chữ P trong mô hình 4P bao gồm các chiến thuật, hoạt động, kỹ thuật và các công cụ liên quan tới chữ P đó.

Ví dụ P trong Promotion(truyền thông, xúc tiến) bao gồm các chiến thuật, hoạt động, kỹ thuật, công cụ liên quan đến truyền thông, xúc tiến, ví dụ như lựa chọn các kênh truyền thông nào để quảng bá sản phẩm/dịch vụ sản phẩm của bạn, sử dụng các công cụ marketing nào để truyền thông sản phẩm/dịch vụ của bạn…

Giải thích chi tiết về 4 chữ P trong mô hình 4P

Các chữ P trong mô hình 4P bao gồm: 

  1. Product(sản phẩm/dịch vụ): bao gồm những chiến thuật, hoạt động, kỹ thuật, công cụ, cách làm liên quan tới sản phẩm, các thành phần cấu tạo nên sản phẩm/dịch vụ để làm thỏa mãn nhu cầu và làm hài lòng khách hàng mục tiêu. Có thể là: Chất lượng, bao bì, mẫu mã, kiểu dáng, nhãn hiệu, đặc điểm sản phẩm, tác dụng, tính chất của sản phẩm/dịch vụ. Bạn cần trả lời: Sản phẩm có thiết kế, kích cỡ và màu sắc phù hợp và hấp dẫn khách hàng mục tiêu không? Điểm độc đáo của sản phẩm là gì? So với đối thủ cạnh tranh, sản phẩm/dịch vụ của bạn có gì nổi trội hơn?
  2. Price(giá cả): bao gồm những chiến thuật, hoạt động, kỹ thuật, công cụ, cách làm liên quan tới giá sản phẩm/dịch vụ. Có thể là: chiến thuật giá chiết khấu, giảm giá, khuyến mại, hình thức thanh toán, hoàn tiền khi mua sản phẩm, tặng quà, tích điểm. Bạn cần trả lời: Giá trị của sản phẩm/dịch vụ đối với khách hàng là gì? Mức giá thông thường của sản phẩm/dịch vụ này là bao nhiêu?
  3. Place(Địa điểm, Phân phối): bao gồm những chiến thuật, hoạt động, kỹ thuật, công cụ, cách làm liên quan tới địa điểm, nơi phân phối sản phẩm/dịch vụ. Place là nơi, phương tiện, cách thức mà khách hàng có thể liên hệ để mua và nhận sản phẩm hay sử dụng dịch vụ. Ví dụ: Mua tại cửa hàng, siêu thị, đặt hàng online qua website, sàn TMĐT, gọi điện đặt hàng… chọn hình thức phân phối, kênh phân phối, vận chuyển,…Bạn cần tìm các địa điểm, phương pháp phân phối giúp khách hàng dễ dàng nhận được sản phẩm/dịch vụ trong thời gian ngắn nhất. Bạn có thể tìm hiểu xem Place của đối thủ xem họ bán ở đâu và phương thức giao hàng…
  4. Promotion(truyền thông, xúc tiến): bao gồm những chiến thuật, hoạt động, kỹ thuật, công cụ, cách làm liên quan tới việc quảng bá, truyền thông để lan truyền thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm/dịch vụ…. đến khách hàng mục tiêu, cũng như thúc đẩy quá trình bán hàng được diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn. quảng cáo, khuyến mại, truyền thông, quan hệ công chúng, bán hàng, trưng bày,… Bạn cần trả lời câu hỏi: Những kênh marketing và kênh truyền thống sẽ hiệu quả nhất? Kênh truyền thông nào có nhiều khách hàng mục tiêu nhất? Thời điểm nào thích hợp nhất để quảng bá sản phẩm/dịch vụ của bạn?

Ưu và nhược điểm của mô hình 4P Marketing

Ưu điểm

Mô hình 4P trong Marketing sẽ giúp doanh nghiệp:

Ưu điểm của mô hình 4P Marketing

Ưu điểm của mô hình 4P Marketing

  1. Dễ dàng tìm ra các ý tưởng về chiến thuật, hoạt động, kỹ thuật, công cụ, cách làm phù hợp: dựa theo các P trong 4P thì doanh nghiệp có thể đưa ra các chiến thuật phù hợp theo P đó. Ví dụ: với Product thì doanh nghiệp sẽ dễ dàng tìm ra các ý tưởng về chiến thuật sản phẩm như nâng cao Chất lượng, thiết kế bao bì, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm bắt mắt hơn, bổ sung thêm các tính năng cho sản phẩm/dịch vụ…
  2. Tìm ra các “điểm nổi bật” để đánh bại đối thủ, thu hút khách hàng mục tiêu: với 4 chữ P, doanh nghiệp có thể dễ dàng biết sản phẩm/dịch vụ của mình đang mạnh hơn đối thủ ở chữ P nào. Từ đó tìm ra “điểm nổi bật” của sản phẩm/dịch vụ của mình để thu hút khách hàng mục tiêu. Ví dụ sản phẩm/dịch vụ doanh nghiệp đang yếu về Product, Promotion, Place thì doanh nghiệp có thể tập trung vào Price(chiến thuật giá chiết khấu, giảm giá, khuyến mại, hình thức thanh toán, hoàn tiền khi mua sản phẩm, tặng quà, tích điểm).
  3. Đơn giản hóa việc marketing: như bạn thấy, có 4 chữ P trong mô hình 4P, từ đó doanh nghiệp chỉ cần đưa ra các chiến thuật, công việc marketing liên quan tới 4 chữ P đó, mà không mất nhiều thời gian suy nghĩ.
  4. Dễ dàng tìm ra các vấn đề cần cải thiện trong doanh nghiệp: ví dụ sau khi phân tích và áp dụng mô hình 4P, doanh nghiệp thấy cần cải thiện phần Product để sản phẩm có thể thu hút khách hàng. Lúc này, doanh nghiệp chỉ cần điều chỉnh quy trình sản xuất của doanh nghiệp để làm sao vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng, vừa tiết kiệm chi phí nhất.
  5. Mỗi phòng ban trong doanh nghiệp đều hiểu trách nhiệm và công việc của mình: khi áp dụng mô hình 4P thì mỗi phòng ban trong doanh nghiệp sẽ biết họ phải làm những gì và làm sao để đạt hiệu quả tối đa.
  6. Dễ đo lường, đánh giá hiệu quả: khi áp dụng mô hình 4P thì bạn có thể dễ dàng đo lường, đánh giá hiệu quả của từng phòng ban trong doanh nghiệp, xem họ có thực hiện đúng, đủ và đạt yêu cầu các công việc được giao không.

Nhược điểm

Mô hình 4P trong Marketing có nhược điểm:

Nhược điểm của mô hình 4P Marketing

Nhược điểm của mô hình 4P Marketing

  1. Thiếu yếu tố con người: yếu tố con người(người chăm sóc khách hàng, người bán hàng, lễ tân, bảo vệ…) rất quan trọng trong việc triển khai Marketing. Con người có thể quyết định 1 dự án marketing thất bại hay thành công.
  2. Thiếu yếu tố thuyết phục khách hàng: mô hình 4P không nhắc tới các yếu tố làm sao để thuyết phục khách hàng mua hàng(đưa ra các bằng chứng, dẫn chứng về hiệu quả của sản phẩm để thuyết phục khách hàng). Do vậy, dự án marketing sẽ dễ đi vào bế tắc và không tìm ra giải pháp khi không bán được hàng.
  3. Thiếu yếu tố quy trình: để bán được sản phẩm thành công thì doanh nghiệp phải có các quy trình bán hàng(tiếp cận khách hàng ra sao, tư vấn như thế nào, khi khách hàng đặt hàng thì xử lý ra sao…), quy trình chăm sóc khách hàng. Mô hình 4P marketing đang thiếu đi yếu tố cực kỳ quan trọng này!
  4. Kém linh hoạt: để áp dụng mô hình 4P thì nhiều phòng ban trong doanh nghiệp phải hợp tác với nhau, do vậy tính linh hoạt sẽ kém hơn.
  5. Có nhiều hạn chế trong môi trường kinh doanh hiện đại: mô hình 4P khó có thể bắt kịp xu hướng thay đổi chóng mặt trong môi trường kinh doanh hiện đại vì nó thiếu đi các yếu tố để xử lý khi có các thay đổi từ môi trường bên ngoài như luật pháp thay đổi, thời tiết biến đổi, kinh tế biến động, văn hóa vùng miền…

Các bước để áp dụng mô hình 4P vào dự án Marketing hiệu quả nhất

Dưới đây là các bước để bạn có thể dễ dàng áp dụng mô hình 4P vào dự án marekting thực tế 1 cách hiệu quả nhất:

Các bước để áp dụng mô hình 4P vào dự án Marketing hiệu quả nhất

Bước 1: Nghiên cứu khách hàng mục tiêu

Để áp dụng hiệu quả mô hình 4P vào dự án marketing thì việc đầu bạn phải làm là bạn phải hiểu khách hàng mục tiêu của mình. Khách hàng mục tiêu của bạn là ai, thuộc tầng lớp xã hội nào, họ ở đâu(địa lý), thu nhập trung bình của họ là bao nhiêu, mong muốn của họ là gì, vấn đề của họ là gì, sản phẩm của bạn có giải quyết được vấn đề và đáp ứng mong muốn của họ không, họ thường truy cập vào website nào,…

Bước 2: Phân tích đối thủ

Sau khi bạn thấy sản phẩm của mình có thể đáp ứng được nhu cầu khách hàng và giải quyết được các vấn đề của họ. Bạn cần phân tích xem hiện nay trên thị trường có những sản phẩm/dịch vụ nào có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng và giải quyết vấn đề của khách hàng như sản phẩm của bạn.

Bạn cần phân tích điểm mạnh/yếu của đối thủ và đánh giá xem bạn có thể vượt qua họ để khách hàng lựa chọn sản phẩm/dịch vụ của bạn thay vì của đối thủ không.

Bước 3: Áp dụng chiến lược marketing mix 4P vào dự án Marketing

Sau khi đã thấu hiểu khách hàng và hiểu đối thủ, bạn tiến hành áp dụng chiến lược 4P vào dự án Marketing của mình. Bạn sẽ quyết định tạo ra

  1. Sản phẩm có tính năng gì, thiết kế ra sao…
  2. Giá bán bao nhiêu, chiết khấu bao nhiêu…
  3. Sử dụng các kênh phân phối nào, bán lẻ hay qua nhà cung cấp, bán online hay offline…
  4. Sử dụng các kênh truyền thông nào, các thông điệp truyền thông ra sao…

Bước 4: Lập kế hoạch thực hiện theo 4P Marketing

Sau khi đã có chiến lược marketing mix 4P thì bạn lập kế hoạch thực hiện chi tiết theo 5W1H: Có những công việc nào, mục tiêu của từng đầu viên là gì, ai thực hiện các công việc đó, triển khai trên các kênh nào, thời gian cho mỗi đầu việc, và làm mỗi đầu việc như thế nào.

Trong bản kế hoạch cần có mục tiêu của cả dự án marketing và ngân sách marketing dự kiến. Ngoài ra, bạn cần đặt các mục tiêu với từng mốc thời gian cụ thể để đánh giá, đo lường để có thể điều chỉnh dự án nếu dự án đang đi sai hướng.

Bước 5: Thực thi dự án Marketing

Sau khi có bản kế hoạch thực hiện chi tiết, bạn sẽ phân công các người thực hiện các công việc theo đúng như bản kế hoạch đã đề ra.

Bước 6: Đánh giá, đo lường và cải tiến dự án Marketing theo mô hình 4P

Thường xuyên đánh giá, đo lường kết quả của dự án marketing theo các mốc thời gian trong bản kế hoạch thực hiện. Nếu dự án marketing không đạt được mục tiêu tại mốc thời gian đó, cần điều chỉnh chiến lược trong mô hình 4P.

Trên đây là 6 bước đơn giản để bạn áp dụng chiến lược 4P vào dự án marketing. Việc áp dụng mô hình 4P như thế nào tùy thuộc vào sản phẩm/dịch vụ của bạn, tình hình thực tế(ngân sách, nhân lực, mục tiêu…) của công ty bạn, đối thủ của bạn, đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn và người lên kế hoạch, thực thi dự án marketing.

Phân tích mô hình 4P của thương hiệu Apple

Dưới đây là phân tích của EZ Marketing về mô hình 4P Marketing của thương hiệu Apple:

Product(Sản phẩm) trong 4P của Apple

Apple tập trung vào việc tạo ra các dòng sản phẩm cao cấp như điện thoại iPhone, máy tính Macbook, máy tính bảng iPad, máy nghe nhạc iPod, đồng hồ thông minh Apple Watch,…

Apple tập trung tạo ra những sản phẩm có tính đột phá lớn, vượt qua sự mong đợi của khách hàng. Các sản phẩm của Apple được thiết kế tinh tế, sang trọng, thể hiện đẳng cấp của người sử hữu chúng. Không chỉ chú trọng tới thiết kế, các sản phẩm Apple có những tính năng đặc biệt, các công nghệ mới nhất, mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho người dùng.

Price(Giá) trong 4P của Apple

Apple áp dụng chiến lược giá cao. Tuy nhiên, cứ mỗi đợt ra mắt sản phẩm mới thì mọi người đều háo hức chờ đón để sở hữu.

Ngoài ra, Apple cũng áp dụng rất thành công chiến lược giá hớt ván sữa. Lúc mới ra mắt sản phẩm điện thoại iPhone của Apple mới có giá rất cao để thu hút nhóm người tiêu dùng yêu thích khám phá công nghệ mới chấp nhận trả mức giá cao để được sở hữu chiếc điện thoại này, đợt đầu này Apple đã thu về một khoảng lợi nhuận khá lớn. Sau một thời gian, Apple bắt đầu giảm giá dần dần để thu hút các đối tượng khác. Sau đó, các dòng iPhone thế hệ tiếp theo khi ra mắt cũng được áp dụng chiến lược giá tương tự.

Place(địa điểm) trong 4P của Apple

Apple sở hữu mạng lưới phân phối rộng khắp trên toàn thế giới với đa dạng các loại hình kênh phân phối như: cửa hàng trực tuyến của Apple, cửa hàng bán lẻ của Apple, các đại lý ủy quyền, các cửa hàng bán lẻ chính hãng…

Promotioon(truyền thông, xúc tiến) trong 4P của Apple

Apple sử dụng nhiều kênh truyền thông để quảng bá sản phẩm của mình(như quảng cáo trên tivi, quảng cáo online, tổ chức các sự kiện ra mắt sản phẩm…). Các trương trình truyền thông của họ tập trung chủ yếu vào các điểm nổi bật, các yếu tố khác biệt của sản phẩm của họ so với các đối thủ cạnh tranh.

Ngoài ra, các mẫu quảng cáo của Apple đi thẳng vào vấn đề, với các thông điệp rõ ràng, không lòng vòng.

P nào trong mô hình 4P là quan trọng nhất?

Cả 4 chữ P trong mô hình 4P đều quan trọng, nếu thiếu 1 trong 4 chữ P đều có thể làm dự án marketing thất bại hoặc không đạt được mục tiêu theo ý muốn.

Nhưng theo chúng tôi, chữ P quan trọng nhất trong mô hình 4P là Product :

  1. Nếu Sản phẩm của doanh nghiệp bạn không đáp ứng được nhu cầu người dùng, không giải quyết được vấn đề của họ thì khách hàng cũng dùng 1 lần và không quay lại.
  2. Ngoài ra, bạn có thể dùng các chiến thuật về sản phẩm như thiết kế bao bì bắt mắt, thu hút người dùng, hoặc tạo ra sản phẩm có cấu tạo dễ sử dụng, bổ sung thêm tính năng bổ trợ cho sản phẩm mà các đối thủ không có…

5 lưu ý quan trọng khi áp dụng mô hình 4P vào dự án marketing

Để áp dụng mô hình 4P vào dự án marketing đạt hiệu quả tối đa, bạn cần lưu ý 5 điều quan trọng dưới đây:

5 lưu ý khi áp dụng mô hình 4P vào dự án marketing

5 lưu ý khi áp dụng mô hình 4P vào dự án marketing

Đầu tiên, cần xác định mục tiêu dự án marketing theo mô hình S.M.A.R.T

Xác định mục tiêu của dự án marketing là công việc đầu tiên và quan trọng nhất trước khi áp dụng mô hình 4P vào dự án Marketing. Nhưng nhiều doanh nghiệp hiện nay đưa ra các mục tiêu không “CHUẨN”, làm cho việc trển khai mô hình 4P còn nhiều khó khăn và gây mang lại hiệu quả.

Mục tiêu đưa ra phải đáp ứng theo mô hình S.M.A.R.T, tức là mục tiêu phải rõ cụ thể, rõ ràng, đo lường được, có khả năng thực hiện, có tính thực tế, không viển vông và có mốc thời gian hoàn thành mục tiêu.

Xác định đối tượng khách hàng mục tiêu rõ ràng

Tùy từng đối tượng khách hàng mục tiêu mà cách triển khai mô hình 4P sẽ khác nhau. Ví dụ Nếu khách hàng mục tiêu thuộc giới thượng lưu thì mô hình 4P sẽ khác mô hình 4P của tầng lớp bình dân.

Nghiên cứu thị trường kỹ càng

Trước khi áp dụng mô hình 4P vào dự án marketing, doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng để hiểu rõ cung cầu thị trường về sản phẩm/dịch vụ của bạn, tình hình cạnh tranh, xu hướng thị trường… Từ đó, doanh nghiệp bạn có thể áp dụng mô hình 4P một cách phù hợp.

Ví dụ: nếu trên thị trường có rất nhiều đối thủ đang cung cấp sản phẩm giống của bạn với mức giá rẻ thì bạn không thể dùng chiến thuật giá rẻ hơn họ được. Bạn có thể áp dụng chiến thuật sản phẩm có nhiều tính năng đặc biệt mà chưa đối thủ nào có.

Xây dựng quy trình phối hợp hiệu quả giữa các phòng ban trong doanh nghiệp

Để áp dụng mô hình 4P vào marketing thì phòng marketing phải phối hợp với các phòng khác trong doanh nghiệp, ví dụ như phòng phát triển sản phẩm, phòng chiến lược, kế toán…

Do vậy, để mô hình 4P đạt hiệu quả cao nhất thì doanh nghiệp phải có quy trình phối hợp hiệu quả giữa các phòng ban trong doanh nghiệp.

Đo lường và đánh giá hiệu quả của mô hình 4P thường xuyên

Nếu bạn không thường xuyên đo lường, đánh giá hiệu quả của mô hình 4P mang lại cho dự án marketing mà để đến cuối chiến dịch marketing mới đánh giá thì sẽ gây ra tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp

Do vậy, trong quá trình triển khai mô hình 4P vào dự án marketing, bạn nên thường xuyên đo lường, đánh giá và đưa ra các cải thiện phù hợp để dự án đi đúng theo mục tiêu marketing đã đề ra.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về chủ đề 4P trong Marketing hoặc bạn muốn đóng góp cho chủ đề này, hãy chat trực tiếp với EZ Marketing, chúng tôi sẽ nhanh chóng giải đáp mọi thắc mắc cũng như ghi nhận các đóng góp từ bạn! Nếu thấy bài viết về 4P Marketing này hữu ích đối với bạn, hãy chia sẻ bài viết này vào các hội nhóm marketing bạn đang tham gia, có nhiều người tìm hiểu về marketing cần những nội dung này!