Bài viết được cập nhật ngày 16/09/2024
Có thể, bạn đã biết tới mô hình 7P trong Marketing nhưng có thể bạn chưa biết cách áp dụng mô hình 7P vào 1 dự án Marketing thực tế. Bài viết này sẽ trình bày tất tần tật về 7P trong marketing, đây là 1 bài viết dành cho những người chưa biết tới 7P Marketing cả những người đã biết nhưng chưa hiểu sâu về 7P Marketing.
Nội dung bài viết
- 7P trong Marketing là gì?
- Ưu và nhược điểm của mô hình 7P Marketing
- 6 bước để áp dụng mô hình 7P vào dự án Marketing hiệu quả nhất
- Phân tích mô hình 7P của sữa Vinamilk
- Product(Sản phẩm) trong 7P của sữa Vinamilk
- Price(Giá) trong 7P của sữa Vinamilk
- Place(địa điểm, phân phối) trong 7P của sữa Vinamilk
- Promotion(truyền thông, xúc tiến) trong 7P của sữa Vinamilk
- People(Con người) trong 7P của sữa Vinamilk
- Process(Quy trình) trong 7P của sữa Vinamilk
- Physical Evidences(Bằng chứng hữu hình) trong 7P của sữa Vinamilk
- P nào trong mô hình 7P là quan trọng nhất?
- Những lưu ý khi áp dụng mô hình 7P vào dự án marketing
7P trong Marketing là gì?
7P Marketing là một trong những chiến lược marketing mix. Nó được phát triển lên từ mô hình 4P Marketing và 7P Marketing đã khắc phục được rất nhiều nhược điểm của mô hình 4P Marketing.
7P là viết tắt của 7 chữ P, bao gồm:
- Product: sản phẩm/dịch vụ
- Price: giá cả
- Place: Địa điểm, Phân phối
- Promotion: truyền thông, xúc tiến
- People: Con người
- Process: Quy trình
- Physical Evidences: Bằng chứng hữu hình
4 chữ P đầu tiên(Product, Price, Place, Promotion) của mô hình 7P, đã được EZ Marketing phân tích rất chi tiết trong bài 4P Marketing. Do vậy, trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung vào 3 chữ P sau(People, Process, Physical Evidences) của mô hình 7P đó là:
- People(Con người): Cách thức để doanh nghiệp có thể tìm kiếm, đào tạo và sử dụng nhân sự phù hợp cho các vị trí để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Mọi nhân viên của công ty(từ nhân viên bảo vệ, quản lý, lễ tân, giao hàng…) đều sẽ có tác động ít nhiều đến sự hài lòng của khách hàng.
- Process(Quy trình): Doanh nghiệp cần xây dựng các quy trình nào để giúp khách hàng tiếp cận, mua hàng và sử dụng sản phẩm/dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả. Cần trả lời: công ty có quy trình hiệu quả để giúp khách hàng mua hàng đơn giản, nhanh chóng và có quy trình để giải quyết mọi thắc mắc cũng như phàn nàn của khách hàng nhanh chóng, hiệu quả chưa.
- Physical Evidences(Bằng chứng hữu hình): doanh nghiệp đã đưa ra các dẫn chứng, bằng chứng(ví dụ như giấy phép kinh doanh, giấy phép an toàn thực phẩm…, review của người quen/người nổi tiếng…) để giúp khách hàng có niềm tin về sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp chưa? Các địa điểm đón tiếp khách hàng có được thiết kế và bài trí làm khách hàng hài lòng chưa?
Cũng giống như mô hình 4P, mỗi chữ P trong mô hình 7P bao gồm các chiến thuật, hoạt động, kỹ thuật và các công cụ liên quan tới chữ P đó.
Ví dụ P trong People(Con người) sẽ bao gồm các chiến thuật, hoạt động, kỹ thuật, công cụ liên quan đến con người, ví dụ như doanh nghiệp lựa chọn những người có tính cách như thế nào cho từng vị trí tiếp xúc với khách hàng, họ có cần bằng cấp gì không hay chỉ cần tham gia 1 khóa đào tạo do công ty tổ chức,…
Ưu và nhược điểm của mô hình 7P Marketing
Ưu điểm
Mô hình 7P Marketing có nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn mô hình 4P Marketing:
- Được bổ sung thêm yếu tố People(con người): so với mô hinh 4P thì mô hinh 7P marketing đã có yếu tố con người. Yếu tố con người ở đây chính là những người tiếp xúc với khách hàng như người tư vấn khách hàng, người chăm sóc khách hàng, giải đáp thắc mắc cho khách hàng, lễ tân, bảo vệ… Họ chính là 1 nhân tố rất quan trọng để thúc đẩy khách hàng mục tiêu tới giai đoạn mua hàng. Và yếu tố này sẽ quyết định 1 dự án marketing thất bại hay thành công. Ví dụ: Nếu trước khi mua sản phẩm, bạn còn 1 số thắc mắc về sản phẩm và bạn gọi lên tổng đài. Sau đó, bạn gặp phải 1 người tư vấn cọc cằn thì bạn có mua sản phẩm đó hay không? Như vậy, doanh nghiệp đã mất 1 số lượng lớn khách hàng chỉ vì 1 nhân viên tư vấn.
- Có thêm yếu tố Physical Evidences(Bằng chứng hữu hình) giúp thuyết phục khách hàng mua hàng: mô hình 7P đã có thêm yếu tố bằng chứng hữu hình, làm cho khách hàng có thêm niềm tin vào sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu.
- Bổ sung thêm yếu tố Process(Quy trình): so với mô hình 4P thì mô hình 7P đã có thêm yếu tố quy trình. Với yếu tố này, thì mọi nhân viên trong doanh nghiệp đều biết rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong doanh nghiệp. Khi có quy trình thì doanh nghiệp sẽ biết khách hàng đang ở giai đoạn nào trong hành trình khách hàng.
- Ngoài ra, 7P Marketing cũng có tất tần tật các ưu điểm như 4P marketing đó là: dễ dàng tìm ra các ý tưởng về chiến thuật, hoạt động, kỹ thuật, công cụ, cách làm phù hợp, dễ dàng tìm ra các “điểm nổi bật” để đánh bại đối thủ, thu hút khách hàng mục tiêu, đơn giản hóa việc marketing, dễ dàng tìm ra các vấn đề cần cải thiện trong doanh nghiệp, dễ đo lường, đánh giá hiệu quả.
Nhược điểm
Mô hình 7P Marketing tuy đã được cải tiến hơn nhiều so với mô hình 4P nhưng nó vẫn còn 1 số nhược điểm:
- Thiếu yếu tố Uy tín thương hiệu: để 1 doanh nghiệp phát triển “lâu dài và bền vững” thì yếu tố uy tín thương hiệu là không thể thiếu. Mô hình 7P đang thiếu yếu tố này.
- Thiếu yếu tố đối tác: Trước khi lựa chọn mua sản phẩm/dịch vụ của 1 thương hiệu thì khách hàng cũng sẽ xem xét xem thương hiệu đó đang hợp tác với những đối tác nào. Nếu thương hiệu của bạn mà hợp tác với những đối tác có nhiều danh tiếng xấu thì khách hàng cũng có thể không lựa chọn sản phẩm/dịch vụ của bạn. Đây là 1 yếu tố chưa có trong mô hình 7P Marketing.
- Thiếu yếu tố chính sách khách hàng: với những thương hiệu uy tín thì họ có những chính sách khách hàng rất tốt, ví dụ như cho phép khách hàng đổi trả trong 30 ngày, bảo hành tới 2 năm, xem hàng mới phải trả tiền…7P Marketing cũng chưa có yếu tố này.
- Kém linh hoạt: cũng giống như mô hình 4P, mô hình 7P cũng phải kết hợp đa số các phòng ban trong doanh nghiệp. Do vậy tính linh hoạt sẽ kém hơn.
- Có nhiều hạn chế trong môi trường kinh doanh hiện đại: mô hình 7P cũng chưa nói tới các yếu tố có thể phát sinh từ môi trường bên ngoài như luật pháp thay đổi, thời tiết biến đổi, kinh tế biến động, văn hóa vùng miền…
6 bước để áp dụng mô hình 7P vào dự án Marketing hiệu quả nhất
Dưới đây là các bước giúp bạn áp dụng mô hình 7P vào dự án Marketing hiệu quả nhất:
Bước 1: Nghiên cứu khách hàng mục tiêu
Cũng giống như mô hình 4P Marketing, trước khi triển khai mô hình 7P thì bạn cần nghiên cứu khách hàng mục tiêu xem họ là ai, thuộc tầng lớp xã hội nào, họ ở đâu(địa lý), thu nhập trung bình của họ là bao nhiêu, mong muốn của họ là gì, vấn đề của họ là gì, sản phẩm của bạn có giải quyết được vấn đề và đáp ứng mong muốn của họ không, họ thường truy cập vào website nào,…
Nếu bước này bạn làm sai thì có thể dẫn đến việc áp dụng mô hình 7P vào dự án marketing không hiệu quả.
Bước 2: Phân tích đối thủ
Người xưa có câu: biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. Trong marketing cũng vậy, nếu bạn không biết địch(đối thủ kinh doanh) thì bạn sẽ không thể đưa ra chiến lược marketing mix 7P để có thể đánh bại đối thủ được. Bạn cần phân tích xem trên thị trường hiện nay có những sản phẩm/dịch vụ nào có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng và giải quyết vấn đề của khách hàng giống như sản phẩm của bạn. Và bạn xem sản phẩm/dịch vụ của bạn có gì nổi trội hơn những sản phẩm/dịch vụ của đối thủ không.
Bạn có thể xem chi tiết trong bài: Quy trình nghiên cứu đối thủ cạnh tranh
Bước 3: Áp dụng chiến lược marketing mix 7P vào dự án Marketing
Sau khi đã thấu hiểu khách hàng và hiểu đối thủ, bạn tiến hành áp dụng chiến lược 7P vào dự án Marketing của mình. Bạn sẽ quyết định tạo ra:
- Sản phẩm có tính năng gì, thiết kế ra sao…để phù hợp với khách hàng mục tiêu của bạn
- Giá bán bao nhiêu, chiết khấu bao nhiêu…để khách hàng chấp nhận được mức giá đó
- Sử dụng các kênh phân phối nào, bán lẻ hay qua nhà cung cấp, bán online hay offline…để khách hàng thuận tiện nhất trong việc mua sản phẩm/dịch vụ.
- Sử dụng các kênh truyền thông nào, các thông điệp truyền thông ra sao…để có thể tiếp cận khách hàng mục tiêu
- Xây dựng quy trình bán hàng và chăm sóc khách hàng dựa vào khách hàng mục tiêu và đối thủ của bạn
- Xây dựng quy trình tuyển dụng, đào tạo và sử dụng nhân sự để hỗ trợ giải đáp thắc mắc của khách hàng và chăm sóc khách hàng
- Tìm và đưa ra các bằng chứng hữu hình để xây dựng niềm tin với khách hàng
Bước 4: Lập kế hoạch thực hiện theo mô hình 7P Marketing
Sau khi đã có chiến lược marketing mix 7P, bước tiếp theo bạn cần lập kế hoạch thực hiện mô hình 7P chi tiết. Bạn có thể áp dụng mô hình 5W1H để lập kế hoạch thực hiện.
Nhưng trước khi lập kế hoạch theo mô hình 5W1H thì bạn cần có mục tiêu của cả dự án marketing và ngân sách marketing dự kiến. Để dự án marketing không đi sai hướng, bạn cần đặt các mục tiêu với từng mốc thời gian cụ thể để đánh giá, đo lường, từ đó bạn có thể điều chỉnh chiến lược Marketing mix 7P kịp thời.
Mô hình 5W1H bao gồm:
- What: Có những công việc nào
- Why: mục tiêu của từng đầu viên là gì
- Who: ai thực hiện các công việc đó
- When: thời gian cho mỗi đầu việc
- Where: triển khai trên các kênh nào, ở đâu
- How: làm mỗi đầu việc như thế nào.
Bước 5: Thực thi dự án Marketing
Sau khi có bản kế hoạch thực hiện chi tiết theo mô hình 7P, việc tiếp theo bạn cần làm là phân công người thực hiện và bắt tay ngay vào thực hiện bản kế hoạch marketing theo 7P đã đề ra.
Bước 6: Đánh giá, đo lường và cải tiến dự án Marketing theo mô hình 7P
Như đã trình bày trong bước 4 lập kế hoạch thì bạn phải đo lường đánh giá kết quả theo từng mốc thời gian. Sau đó, nếu bạn thấy mục tiêu tại mốc thời gian đó chưa đạt thì cần điều chỉnh các chiến lược trong mô hình 7P để đẩy nhanh tiến độ của dự án.
Các dự án mà EZ Marketing triển khai thường đo lường, đánh giá theo tuần, tháng, giữa dự án và cuối dự án.
Phân tích mô hình 7P của sữa Vinamilk
Dưới đây, EZ Marketing sẽ phân tích mô hình 7P Marketing của thương hiệu sữa Vinamilk:
Product(Sản phẩm) trong 7P của sữa Vinamilk
Vinamilk cung cấp nhiều dòng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Từ trẻ em, thanh niên, cho tới người trung niên, người già đều có thể lựa chọn loại sữa Vinamilk phù hợp.
Vinamilk còn cung cấp các loại sữa đặc biệt dành cho các đối tượng khách hàng đặc biệt như sữa cho người mang thai, sữa bổ sung canxi, sữa dành cho người tiểu đường…
Các sản phẩm sữa của Vinamilk được kiểm soát chất lượng chặt chẽ với các hệ thống quản lý tiên tiến như BRC, ISO 17025. Họ kiểm soát tất cả các công đoạn sản xuất sữa từ trước, trong, và sau sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm Vinamilk luôn là an toàn với người dùng.
Ngoài ra, Vinamilk thường xuyên thay đổi các thành phần trong bộ nhận diện thương hiệu và thay đổi bao bì mới. Bạn có biết trend Logo Vinamilk không?
Price(Giá) trong 7P của sữa Vinamilk
Các loại sữa của Vinamilk đều có giá “rất bình dân”, vừa túi tiền của đa số người dân Việt Nam. Ngoài ra, Vinamilk cũng thường xuyên đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá và tặng quà để thu hút khách hàng. Từ đó, duy trì lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu Vinamilk.
Place(địa điểm, phân phối) trong 7P của sữa Vinamilk
Vinamilk sử dụng nhiều kênh phân phối khác nhau như:
- Hệ thống cửa hàng bán lẻ của Vinamilk: đây là hệ thống phân phối trực tiếp các sản phẩm của Vinamilk đến khách hàng.
- Các siêu thị lớn nhỏ: Sữa Vinamilk được bày bán rất nhiều ở các siêu thị lớn nhỏ như Big C, Metro, Vinmart…
- Bán trực tuyến: bán có thể vào website của Vinamilk và đặt sữa trực tuyến. Hoặc bạn có thể vào các gian hàng chính thức của Vinamilk trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada…để đặt sữa Vinamilk
- Hệ thống Đại lý, nhà phân phối: Vinamilk còn cung cấp các sản phẩm qua các đại lý, nhà phân phối trên khắp cả nước, từ các thành phố lớn đến các vùng quê.
- Kênh key accounts: bao gồm các cơ quan, trường học, khách sạn, nhà hàng,…
Promotion(truyền thông, xúc tiến) trong 7P của sữa Vinamilk
Vinamilk truyển khai chiến lược Promotion trên đa kênh, đa phương tiện, tập trung vào TVC, video, radio, các nền tảng mạng xã hội. Điều này, giúp họ tiếp cận được hầu hết các khách hàng mục tiêu và thúc đẩy lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm của nhãn hàng.
Ngoài ra, Vinamilk còn tổ chức nhiều hoạt động xã hội và từ thiện, lập ra các chương trình trao học bổng Vinamilk – ươm mầm tài năng trẻ Việt, chương trình Quỹ Một triệu cây xanh cho Việt Nam, chương trình San sẻ gánh lo mùa dịch,…
People(Con người) trong 7P của sữa Vinamilk
Chiến lược Con người của Vinamilk, tập trung vào 3 điểm chính:
- Chú trọng đầu tư vào việc đào tạo và phát triển nhân viên: Vinamilk có hệ thống đào tạo nhân sự bài bản, chuyên nghiệp, giúp nhân viên nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Từ đó, tạo ra đội ngũ nhân viên chất lượng cao.
- Tăng sự gắn bó của nhân viên với công ty: Vinamilk đưa ra rất nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn, bao gồm mức lương, thưởng tương xứng với năng lực, có nhiều cơ hội thăng tiến,… Điều này giúp nhân viên yêu thích công việc và họ sẽ gắn bó lâu dài với công ty.
- Tiết kiệm tối đa chi phí và tối ưu năng suất lao động: với một đội ngũ nhân viên chất lượng cao và gắn bó, Vinamilk đã tiết kiệm rất nhiều chi phí đào tạo và tuyển dụng. Từ đó nâng cao năng suất lao động của mỗi nhân viên.
Process(Quy trình) trong 7P của sữa Vinamilk
Vinamilk xây dựng các quy trình tập trung vào yếu tố chất lượng sản phẩm, an toàn cho người sử dụng như quy trình quản lý và kiểm soát chất lượng theo hệ thống quản lý BRC, ISO 17025.
Vinamilk kiểm soát chặt chẽ tất cả các công đoạn từ trước, trong, và sau sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm Vinamilk luôn an toàn với người dùng.
Ngoài ra, Vinamilk xây dựng các quy trình truy vết sản phẩm nhằm thu hồi, xử lý sản phẩm khi có sự cố để giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Physical Evidences(Bằng chứng hữu hình) trong 7P của sữa Vinamilk
Vinamilk triển khai chiến lược Physical Evidences gây ấn tượng mạnh với khách hàng:
- Vinamilk có hệ thống 650 cửa hàng bán lẻ(cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt) trên khắp cả nước được thiết kế chuyên nghiệp, tạo ra sự tin tưởng cho khách hàng.
- Bao bì các sản phẩm của Vinamilk được thiết kế sáng tạo, gây ấn tốt cho khách hàng.
- Các nhân viên tại các cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt ăn mặc gọn gàng, lịch sự, tạo cảm giác chuyên nghiệp, gây ấn tượng tốt khách hàng.
- Vinamilk có hệ thống nhà máy sản xuất và hệ thống kho của Vinamilk đạt tiêu chuẩn quốc tế, với hệ thống dây chuyền hiện đại bậc nhất thế giới của Tetra Pak từ Thụy Điển.
- Vinamilk có các chứng nhận về chất lượng sản phẩm như chứng nhận ISO 50001:2011, FSSC 22000:2005, ISO 9001:2008, BRC, VSATTP…
P nào trong mô hình 7P là quan trọng nhất?
Theo EZ Marketing đánh giá, trong 7P thì có 2 chữ P quan trọng nhất là People(Con người) và Product(Sản phẩm). Trong 2 chữ P này, dù thiếu 1 chữ P thì mô hình 7P cũng hoàn toàn thất bại. 2 chữ P này bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau.
Nếu sản phẩm không tốt, không giải quyết được vấn đề của khách hàng, không đáp ứng được nhu cầu họ thì chắc chắn họ cũng không mua sản phẩm của bạn. Ngược lại, nếu bạn thuê những nhân viên thiếu trách nhiệm, không nhiệt tình giải đáp các thắc mắc của khách hàng và có thái độ xấu thì dù sản phẩm của bạn có tốt đến đâu thì khách hàng cũng không mua sản phẩm của bạn hoặc họ sẽ rời bỏ thương hiệu của bạn.
Do vậy, EZ Marketing mới nói, 2 chữ P này bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, thiếu 1 trong 2 chữ P đều có thể làm thất bại chiến lược 7P Marketing.
Những lưu ý khi áp dụng mô hình 7P vào dự án marketing
Trước khi và trong khi áp dụng mô hình 7P vào dự án marketing, bạn cần lưu ý những điểm sau:
Thứ nhất, phải có mục tiêu dự án marketing theo mô hình S.M.A.R.T
Trước khi áp dụng 7P vào dự án marketing, bạn cần đặt mục tiêu marketing theo mô hình S.M.A.R.T(mục tiêu phải rõ cụ thể, rõ ràng, đo lường được, có khả năng thực hiện, có tính thực tế, không viển vông và có mốc thời gian hoàn thành mục tiêu).
Nếu bạn không có mục tiêu đáp ứng theo mô hình S.M.A.R.T thì dù bạn áp dụng mô hình 7P tốt đến đầu thì dự án marketing cũng khó đi đến được thành công vì nếu không có đích đến thì bạn cứ mãi đi lòng vòng 1 chỗ mà không đến đâu cả.
Xác định đối tượng khách hàng mục tiêu rõ ràng
Với mỗi đối tượng khách hàng mục tiêu khác nhau thì cách áp dụng mô hình 7P Marketing sẽ khác nhau. Ví dụ Nếu khách hàng mục tiêu của bạn thuộc giới siêu giàu mà bạn lại áp dụng chiến lược giá(Price) là giá rẻ hoặc chiến lược Địa điểm, phân phối(Place) là các chợ huyện thì chắc chắn dự án Marketing của bạn sẽ thất bại.
Nghiên cứu thị trường kỹ càng
Nghiên cứu thị trường bao gồm việc nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, xu hướng thị trường, cung – cầu thị trường…
Nếu bạn càng nghiên cứu thị trường cẩn thận thì việc áp dụng mô hình 7P vào dự án marketing càng dễ đi đến thành công.
Ví dụ: nếu hiện nay trên thị trường có quá nhiều thương hiệu cung cấp sản phẩm với tính năng tương tự của bạn, giá các sản phẩm đó còn rẻ hơn sản phẩm của bạn thì chắc chắn sản phẩm của bạn sẽ không có chỗ đứng trên thị trường. Do vậy, bạn cần phải bổ sung thêm tính năng đặc biệt cho sản phẩm của bạn và tính năng này phải hữu ích đối với người dùng.
Xây dựng quy trình phối hợp hiệu quả giữa các phòng ban trong doanh nghiệp
Nếu doanh nghiệp của bạn không có quy trình phối hợp tốt giữa các phòng ban, mà áp dụng mô hình 7P vào thì doanh nghiệp của bạn sẽ rối tung lên vì mô hình 7P Marketing đòi hỏi phải phối hợp tốt giữa các phòng ban trong doanh nghiệp. Từ đó, dẫn đến dự án marketing thất bại, mọi phòng ban sẽ đổ trách nhiệm cho nhau.
Do vậy, để mô hình 7P đạt hiệu quả cao nhất thì doanh nghiệp phải tạo ra các quy trình phối hợp tốt giữa các phòng ban trong doanh nghiệp và phổ biến cho các trưởng phòng ban để họ truyền đạt tới từng nhân viên.
Thường xuyên đo lường, đánh giá hiệu quả của mô hình 7P
Như bạn thấy, trong bước 4: lập kế hoạch thực hiện mô hình 7P ở trên, bạn cần đặt các mục tiêu với từng mốc thời gian cụ thể. Việc này sẽ giúp bạn biết dự án marketing của bạn có đang đi đúng hướng hay không, có cần thay đổi chiến lược 7P không.
Do vậy, trong quá trình triển khai mô hình 7P vào dự án marketing, bạn cần đo lường, đánh giá theo các mốc thời gian cụ thể. Từ đó, đưa ra các thay đổi chiến lược 7P cần thiết, để đạt mục tiêu marketing đã đề ra.
Nếu bạn có bất kỳ đóng góp vào cho chủ đề “7P Marketing”, hãy chat trực tiếp với EZ Marketing, chúng tôi mong chờ và trân trọng tất cả đóng góp từ bạn! Nếu thấy bài viết này hữu ích đối với bạn, hãy chia sẻ nó vào các hội nhóm marketing, bài viết này sẽ rất hữu ích đối với những người đang theo đuổi ngành marketing.
Hãy để lại bình luận