Nghề Designer đang “làm mưa làm gió” với cơ hội việc làm rộng mở và mức lương khiến nhiều người mơ ước. Nhưng liệu bạn đã thực sự hiểu rõ về công việc của Designer? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn toàn diện về nghề Designer: từ những công việc cụ thể, các kỹ năng và trình độ học vấn cần thiết, cho đến mức lương có thể đạt được và cách tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực này!
Nội dung bài viết
- Xu hướng phát triển của lĩnh vực thiết kế cho các Designer
- Cần trau dồi kiến thức hay khóa học gì để trở thành Designer thực thụ?
- Kỹ năng cần thiết để trở thành một Designer chuyên nghiệp
- Cách trau dồi kinh nghiệm thiết kế cho Designer
- Những mẹo xây dựng Portfolio ấn tượng cho Designer
- Bí quyết vượt qua phỏng vấn xin việc dành cho Designer
- Cơ hội việc làm cho các Designer
- Mức lương Designer hiện nay là bao nhiêu?
- Designer tìm việc ở đâu?
Xu hướng phát triển của lĩnh vực thiết kế cho các Designer
Lĩnh vực thiết kế tại Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc với vô vàn cơ hội cho những người trẻ đam mê sáng tạo. Đặc biệt, sự kết hợp giữa thiết kế và công nghệ đang mở ra những hướng đi đầy tiềm năng cho các Designer.
Theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP.HCM, riêng ngành Thiết Kế Đồ Họa đã có nhu cầu tuyển dụng lên đến 1 triệu nhân sự vào năm 2021 và con số này được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024, tạo nên một thị trường việc làm sôi động và đa dạng cho ngành thiết kế.
Các lĩnh vực như thiết kế UI/UX, thiết kế đồ họa, thiết kế web/app, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang,… đều đang có nhu cầu tuyển dụng lớn. Bên cạnh đó, xu hướng làm việc tự do (freelance) và làm việc từ xa cũng đang ngày càng phổ biến, tạo điều kiện cho các Designer chủ động hơn trong công việc, kết nối với khách hàng trên toàn thế giới.
Cần trau dồi kiến thức hay khóa học gì để trở thành Designer thực thụ?
Các ngành đào tạo dành cho Designer
Ngành thiết kế đồ họa, thiết kế web UX/UI, thiết kế nội thất và thiết kế thời trang là những ngành học phổ biến giúp Designer có kiến thức nền tảng vững chắc.
Tại các trường đại học danh tiếng như Đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội hay Đại học Kiến Trúc TP.HCM, RMIT, Trường Đại học FPT Hà Nội, Học viện Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Đại học Tôn Đức Thắng,… sinh viên sẽ được học kiến thức cơ bản về nghệ thuật, hiểu biết về cách bố trí và tỷ lệ, màu sắc, nguyên lý về thiết kế, kỹ thuật vẽ tay,… và học các phần mềm thiết kế cơ bản đến nâng cao như: Adobe Photoshop, Illustrator, InDesign, 3D Max, 3D Maya và nhiều phần mềm khác.
Các khóa học ngắn hạn về thiết kế căn bản, chuyên sâu
Ngoài đào tạo đại học, các khóa học ngắn hạn tại các trung tâm uy tín như Arena Multimedia hay FPT-Arena cung cấp kiến thức căn bản và chuyên sâu về thiết kế cho Designer.
Các khóa học này tập trung vào các phần mềm thiết kế phổ biến như Adobe Photoshop, Illustrator, InDesign, 3D Max, 3D Maya và nhiều phần mềm khác cùng các kỹ năng thực hành thực tế, giúp bạn nhanh chóng áp dụng vào công việc thực tiễn.
Các khóa học trực tuyến
Học trực tuyến cũng là một cách hiệu quả để nâng cao kỹ năng thiết kế. Các khóa học trực tuyến như: Coursera, Udemy, và LinkedIn Learning cung cấp nhiều khóa học từ cơ bản đến nâng cao. Các Designer có thể học về thiết kế giao diện người dùng (UI/UX), thiết kế đồ họa hay thậm chí là thiết kế 3D. Các khóa học trực tuyến thường đi kèm với chứng chỉ và dự án thực tế, giúp bạn xây dựng portfolio cá nhân hiệu quả.
Việc học tập và trau dồi kiến thức từ các nguồn này sẽ giúp bạn trở thành một Designer chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động hiện nay.
Kỹ năng cần thiết để trở thành một Designer chuyên nghiệp
Vậy, những kỹ năng cần thiết nào bạn cần có để trở thành một “Designer” chuyên nghiệp?
Theo các chuyên gia trong ngành thiết kế, để thành công trong lĩnh vực này, một “Designer” cần có những kỹ năng sau:
- Sáng Tạo: Một Designer giỏi phải có khả năng sáng tạo, tự mình đưa ra những ý tưởng mới mẻ và độc đáo.
- Có khiếu thẩm mỹ: Để trở thành một Designer chuyên nghiệp, bạn cần có “con mắt thẩm mỹ” tinh tế, nhạy bén với cái đẹp. Điều này giúp bạn tạo ra những sản phẩm không chỉ độc đáo mà còn tuân thủ các nguyên tắc bố cục chuẩn mực, mang lại cảm giác hài hòa và ấn tượng cho người xem.
- Kỹ Năng Quản Lý Thời Gian: Designer cần biết quản lý thời gian hiệu quả, đảm bảo hoàn thành công việc đúng hạn.
- Kỹ Năng Giao Tiếp: Kỹ năng giao tiếp tốt, biết cách giao tiếp khéo léo và chuyên nghiệp với khách hàng, nhà tuyển dụng và các thành viên trong nhóm là điều rất quan trọng đối với một Designer.
- Kỹ Năng Sử Dụng phần mềm thiết kế thành thạo: Trong thời đại số hiện nay, các Designer sẽ thường xuyên làm việc với các phần mềm như Adobe Photoshop, Illustrator, Adobe Indesign, Blender, Autocad, GIMP,…
Cách trau dồi kinh nghiệm thiết kế cho Designer
Bạn là một Designer trẻ đầy nhiệt huyết và đang tìm kiếm cơ hội việc làm? Hay là một người đang muốn chuyển đổi nghề nghiệp sang lĩnh vực thiết kế đầy sáng tạo? Chắc hẳn bạn không ít lần “đau đầu” với nghịch lý muôn thuở: cần kinh nghiệm để có việc, mà phải có việc mới có kinh nghiệm. Vậy một Designer mới vào nghề phải làm sao để vượt qua nghịch lý này? Dưới đây là một số cách để Designer có thể trau dồi kinh nghiệm thiết kế, gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng:
Bắt đầu với việc xin làm thực tập thiết kế
- Bước đầu bạn hãy xin thực tập thiết kế tại phòng Marketing của các doanh nghiệp, agency quảng cáo, công ty truyền thông có tuyển vị trí thực tập cho Designer. Bạn có thể tìm thông tin trên các trang tuyển dụng, website của công ty hoặc qua mạng lưới quan hệ.
- Đầu tư thời gian chuẩn bị một CV nêu rõ điểm mạnh, điểm yếu, những kỹ năng bạn có, khóa học bạn đã học, những hoạt động ở trường Đại học bạn đã tham gia, thành tích học tập, dự án thiết kế đã làm cho môn học, thể hiện rõ mong muốn học hỏi và đóng góp của bạn. Trong quá trình thực tập, hãy luôn chủ động, ham học hỏi và sẵn sàng tiếp thu góp ý từ sếp và đồng nghiệp.
Trải nghiệm thiết kế cho các hoạt động tình nguyện
- Bạn hãy tham gia các hoạt động tình nguyện liên quan đến lĩnh vực thiết kế như: thiết kế banner cho các khóa tu sinh viên, thiết kế hình ảnh truyền thông cho các hoạt động tình nguyện, tham gia vào ban truyền thông của các tổ chức phi lợi nhuận, dự án cộng đồng tình nguyện… Chắc chắn với bạn một điều, khi tham gia hỗ trợ thiết kế cho các tổ chức tình nguyện, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về thiết kế mà bạn không tìm thấy ở một nơi nào khác. Bởi vì nơi đó tất cả mọi người đều chung lý tưởng phụng sự, tình nguyện giúp người khác, nên họ sẽ chia sẻ cho bạn tất cả những gì họ biết, bạn sẽ học được cả các kiến thức chuyên môn và nhiều kiến thức bổ ích khác trong cuộc sống.
- Hãy chủ động đề xuất ý tưởng, giải pháp thiết kế sáng tạo, xem đây là cơ hội để bạn gặp gỡ và làm việc với nhiều người, từ đó mở rộng mạng lưới quan hệ và tìm kiếm nhiều cơ hội việc làm tiềm năng sau này.
Xây dựng Portfolio cá nhân chuyên nghiệp
Bạn có thể tạo website cá nhân hoặc sử dụng các nền tảng portfolio trực tuyến như Behance, Dribbble để giới thiệu các ấn phẩm thiết kế đã làm của bản thân được chuyên nghiệp. Chọn lọc những tác phẩm tốt nhất, đa dạng về phong cách và lĩnh vực thiết kế (ví dụ: thiết kế logo, banner, giao diện website, ấn phẩm truyền thông,…) để giới thiệu trong portfolio của bạn.
Những mẹo xây dựng Portfolio ấn tượng cho Designer
- Trình bày logic, dễ hiểu: Sắp xếp các dự án của bạn trong Portfolio theo trình tự hợp lý, sử dụng các tiêu đề, đề mục rõ ràng và liên kết nội bộ để người xem dễ dàng tìm kiếm và theo dõi thông tin, đặc biệt là đối với những dự án có nhiều nội dung.
- Trình bày rõ các bước từ lúc nhận dự án thiết kế: Giới thiệu về dự án, từ yêu cầu/ mong muốn của khách hàng, đến ý tưởng của bạn khi triển khai từng bước thiết kế, phương pháp và kết quả đạt được thay vì chỉ liệt kê sản phẩm.
- Thông tin chi tiết về dự án: Thêm mô tả ngắn gọn về sản phẩm, thông tin công ty, nền tảng, nhiệm vụ thiết kế và kết quả chính vào mỗi dự án.
- Điểm nổi bật, điểm nhấn: Thêm phần tóm tắt kinh nghiệm, kỹ năng và thành tích nổi bật để thu hút nhà tuyển dụng.
- Sử dụng hình ảnh “trước – sau”: So sánh các hình ảnh trước và sau khi bạn thiết kế giúp minh họa hiệu quả quá trình thiết kế của bạn, dễ dàng so sánh và đánh giá khả năng thiết kế.
- Kết hợp hình ảnh và văn bản: Sử dụng hình ảnh đẹp, chất lượng cao để thu hút nhà tuyển dụng, đồng thời giải thích rõ ràng ý tưởng và quá trình thiết kế bằng nội dung ngắn gọn, dễ hiểu.
- Chọn lọc và trình bày những dự án phù hợp: Khi bạn ứng tuyển cho một vị trí cụ thể, hãy chọn lọc và trình bày những dự án đã thực hiện mà phù hợp với yêu cầu và phong cách của vị trí đó. Ví dụ, nếu bạn đang ứng tuyển vị trí thiết kế UI/UX, hãy đưa vào portfolio những dự án về thiết kế giao diện người dùng hoặc trải nghiệm người dùng mà bạn đã tham gia.
- Kinh nghiệm quản lý dự án: Trình bày kinh nghiệm quản lý dự án, xây dựng đội ngũ (nếu có) và quy trình làm việc để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Bí quyết vượt qua phỏng vấn xin việc dành cho Designer
Đối với phỏng vấn cho vị trí Designer, các nguyên tắc phỏng vấn chung như đến đúng giờ, ăn mặc gọn gàng, tìm hiểu kỹ về công ty, và luyện tập trả lời một số câu hỏi phỏng vấn phải được đảm bảo.
Tuy nhiên, có bí quyết đặc biệt nào mà một Designer cần lưu ý?
Theo các chuyên gia tuyển dụng, nếu bạn đã được mời tham gia phỏng vấn cho một công việc thiết kế và nhà tuyển dụng đã xem qua portfolio của bạn thì điều quan trọng tiếp theo là bạn phải thể hiện bạn có khả năng hòa nhập và làm việc nhóm tốt.
Hãy thoải mái, cởi mở và đừng quên thể hiện khiếu hài hước của mình trong buổi phỏng vấn. Cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người hòa đồng, sẵn sàng hợp tác với mọi người và luôn tiếp thu ý kiến đóng góp để hoàn thiện sản phẩm.
Bên cạnh khả năng sáng tạo, kỹ năng giao tiếp tốt cũng là yếu tố quan trọng không kém đối với Designer, làm việc nhóm và trao đổi với đồng nghiệp vẫn là điều cần thiết để tạo ra những sản phẩm tốt nhất.
Cơ hội việc làm cho các Designer
Các vị trí công việc của Designer
Designer là một ngành nghề với nhiều vị trí công việc hấp dẫn. Dưới đây là 3 vị trí công việc phổ biến nhất trong lĩnh vực thiết kế dành cho Designer:
- Thiết kế web (Web Designer): Web Designer chịu trách nhiệm thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng trên các trang web. Công việc này tạo ra các bố cục, màu sắc và hình ảnh hấp dẫn để thu hút người dùng và truyền tải thông điệp của trang web một cách hiệu quả. Theo báo cáo từ CareerFoundry, nhu cầu tuyển dụng Web Designer dự kiến tăng 13% từ năm 2020 đến 2030, nhanh hơn mức trung bình của các ngành khác.
- Thiết kế đồ họa (Graphic Designer): Graphic Designer là những người sáng tạo nội dung trực quan, sử dụng màu sắc, hình ảnh, kiểu chữ và bố cục để truyền tải thông điệp và ý tưởng. Họ tạo ra các sản phẩm thiết kế đa dạng như logo, brochure, poster, banner quảng cáo, bao bì sản phẩm, ấn phẩm truyền thông,… phục vụ cho các mục đích thương mại, giáo dục và giải trí.
Khác với Web Designer, thị trường việc làm dành cho Graphic Designer có phần cạnh tranh hơn. Mức tăng trưởng dự kiến chỉ khoảng 3% trong cùng khoảng thời gian, chậm hơn mức trung bình. Bạn cần không ngừng hoàn thiện bản thân, sáng tạo và xây dựng phong cách riêng để tạo nên sự khác biệt trong lĩnh vực này.
- Thiết kế trải nghiệm – giao diện người dùng trên website (UX/UI Designer): UX/UI Designer đảm nhận vai trò quan trọng trong việc tối ưu trải nghiệm người dùng trên các ứng dụng và website, đảm bảo giao diện trực quan, thân thiện và hấp dẫn. Một sát của Navigos Search cho thấy nhu cầu tuyển dụng UX/UI Designer đã tăng trưởng vượt bậc, gần 500% từ năm 2019 đến 2020. Với xu hướng phát triển công nghệ và sự chuyển đổi số mạnh mẽ, dự báo nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng cao, mở ra cơ hội nghề nghiệp đầy triển vọng và tiềm năng thu nhập hấp dẫn cho các UX/UI Designer tại Việt Nam.
Mức lương Designer hiện nay là bao nhiêu?
Thu nhập của Designer đang ở mức khá hấp dẫn so với mặt bằng chung. Theo khảo sát của Vietnamworks, mức lương trung bình của một Designer dao động từ 8 – 28 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào kinh nghiệm và năng lực.
- Designer mới vào nghề (0 – 1 năm kinh nghiệm) có thể nhận mức lương khởi điểm từ 8 – 10 triệu đồng/tháng.
- Với 1 – 2 năm kinh nghiệm, con số này tăng lên từ 10-15 triệu đồng/tháng.
- Các chuyên gia Designer dày dặn kinh nghiệm (trên 5 năm) hoàn toàn có thể đạt mức thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng.
- Leader Designer: nếu bạn lead team Designer, bạn hoàn toàn có thể đạt được mức lương >18 triệu/tháng, tùy vào số lượng thành viên trong team bạn và tùy vào số lượng bản thiết kế hoặc độ khó trong công việc của bạn
Bên cạnh mức lương cứng, Designer còn có thể nhận thêm thu nhập từ các dự án Freelance, giúp gia tăng đáng kể thu nhập hàng tháng.
Designer tìm việc ở đâu?
Thị trường việc làm dành cho Designer đang bùng nổ với hàng ngàn cơ hội hấp dẫn mỗi ngày. Nếu bạn đang tìm kiếm công việc phù hợp, hãy bắt đầu hành trình “săn việc” của mình tại các kênh uy tín sau sau:
- Các trang tuyển dụng uy tín: TopCV, CareerBuilder, Vietnamworks là 3 “ông lớn” không thể bỏ qua, nơi tập trung hàng ngàn cơ hội việc làm hấp dẫn mỗi ngày. Hãy tạo một hồ sơ thật ấn tượng, chăm chỉ cập nhật và chủ động ứng tuyển vào các vị trí Designer phù hợp với kinh nghiệm và sở thích của bạn.
- Hội nhóm Designer trên Facebook: có rất nhiều hội nhóm, cộng đồng Designer trên Facebook. Bạn hãy search cụm từ liên quan đến thiết kế như: “designer”, “tuyển dụng thiết kế”,… trên thanh tìm kiếm Facebook và tham gia và các nhóm, bạn sẽ tìm được việc làm nhanh chóng và còn có cơ hội giao lưu, học hỏi từ những Designer khác. Một số nhóm nổi bật bạn có thể tham khảo: “Cộng đồng Designer Việt Nam”, “Graphic Designer Jobs”, “UI/UX Designer Vietnam”,…
- Tìm các Agency Marketing để apply vị trí Designer: Các Agency Marketing là nơi lý tưởng để các Designer tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp. Do Agency Marketing là bên thứ 3 chuyên nhận các dự án Marketing trong đó cả Designer, nên hầu hết các Agency luôn cần tuyển thiết kế. Bạn hãy thử liên hệ với các Agency hoặc Apply qua email của các Agency Marketing nhé.
- Nhận dự án thiết kế Freelance: Nếu bạn yêu thích sự tự do và muốn làm chủ thời gian của mình, hãy thử sức với việc nhận các dự án thiết kế Freelance. Các group tìm việc trên Facebook là nơi dễ tìm các job Freelance nhất, ngoài ra bạn có thể tìm trên Linkedin, Upwork, Fiverr, FreelancerViet,… là những nơi có vô vàn dự án thiết kế từ khách hàng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hãy hỏi chi tiết về dự án hoặc tìm hiểu profile của khách hàng kỹ để tránh bị mất công sức oan và đảm bảo quyền lợi của mình.
Để trở thành một Designer chuyên nghiệp, bạn cần không ngừng nâng cao kiến thức về thiết kế và hoàn thiện bản thân qua từng dự án. Hãy bắt đầu từ những khóa học cơ bản, thực tập tại các công ty, và từng bước xây dựng portfolio của mình. Với mức lương hấp dẫn và nhiều cơ hội việc làm, nghề Designer sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời cho những ai yêu thích sáng tạo và mong muốn thể hiện cá tính qua từng ấn phẩm thiết kế.
Hãy để lại bình luận