Bài viết được cập nhật ngày 22/06/2024
Mô hình kinh doanh B2C đã xuất hiện từ lâu và dần trở nên phổ biến trong thị trường kinh doanh. Đây là hình thức bán hàng, cung cấp sản phẩm/dịch vụ từ doanh nghiệp đến người cuối cùng tiêu dùng sản phẩm/dịch vụ. Tiếp thị B2C mang đến cho doanh nghiệp nhiều lợi ích vượt trội. Để hiểu rõ hơn về Marketing B2C, cùng EZ Marketing tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau.
Nội dung bài viết
Marketing B2C là gì? Đặc điểm của mô hình tiếp thị B2C
Khác với B2B, tiếp thị B2C chủ yếu tập trung tiếp thị đến đối tượng khách hàng là những người tiêu dùng cuối cùng. Doanh nghiệp phải xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng, giải quyết được từng vấn đề của họ để tạo ra tỷ lệ chuyển đổi cao.
Marketing B2C là gì?
Tiếp thị B2C hay marketing B2C là hình thức marketing sản phẩm/dịch vụ trực tiếp từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng cuối cùng, họ là người trực tiếp mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Chúng bao gồm cả những tổ chức, doanh nghiệp mua sản phẩm về tiêu dùng trực tiếp.
Chẳng hạn, doanh nghiệp mua máy vi tính HP về cho nhân viên trực tiếp sử dụng tại văn phòng. Đây cũng là hình thức tiếp thị B2C. Kinh doanh B2C là phương pháp bán lẻ rất phổ biến trên thị trường. Ví dụ bán hàng siêu thị, tạp hóa, quán ăn, trà sữa, nội thất…
Cùng với sự phát triển của thị trường, mô hình kinh doanh thương mại điện tử ngày càng phổ biến. Các doanh nghiệp triển khai Marketing B2C cũng dần chuyển sang tiếp thị trực tuyến. Họ bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, Website hoặc các kênh mạng xã hội đến người tiêu dùng cuối cùng.
Đặc điểm của mô hình tiếp thị B2C
- Tiếp cận trực tiếp khách hàng: Doanh nghiệp sẽ tiếp cận trực tiếp đến người tiêu dùng sử dụng sản phẩm. Doanh nghiệp cần thực hiện nhiều bước như tư vấn, hỗ trợ, phản hồi, bảo hành… Có thể bán hàng truyền thống trực tiếp hoặc bán qua các nền tảng trực tuyến.
- Chu kỳ bán hàng ngắn: Khách hàng cá nhân thường không tìm hiểu quá chuyên sâu hay có nhiều bước quyết định mua hàng như B2B. Họ có thể quyết định mua hàng ở ngay lần đầu nhìn thấy. Do đó, quyết định mua hàng thường không bị lệ thuộc quá nhiều vào người khác.
- Dựa vào yếu tố cảm xúc: Khách hàng B2C mua sản phẩm khi sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu và cảm xúc ở hiện tại. Họ không dùng nhiều lý trí để so sánh, tính toán trước khi mua hàng như khách hàng B2B. Khách hàng cá nhân sẽ mua hàng khi họ cảm thấy thích, đúng mong muốn.
- Làm việc với người dùng cuối: Marketing B2C bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng nên doanh nghiệp sẽ dễ dàng tư vấn, thuyết phục và chăm sóc khách hàng trực tiếp. Từ đó có thể thấu hiểu được mong muốn, nhu cầu thực sự của họ.
Những lợi ích B2C Marketing mang lại cho doanh nghiệp
Trong xu thế hiện nay, tiếp thị B2C vẫn luôn là hình thức kinh doanh được hầu hết các doanh nghiệp lựa chọn. Đặc biệt, khi các nền tảng thương mại điện tử được ra đời và chiếm lĩnh thị trường như hiện nay, nhu cầu mua hàng trực tuyến qua các nền tảng này diễn ra vô cùng sôi nổi. Đồng thời, hình thức này cũng mang đến cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích. Cụ thể:
- Tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận: Tiếp thị B2C cho phép doanh nghiệp tối ưu chi phí hiệu quả: giảm thiểu các chi phí về nhân lực, cơ sở hạ tầng. Khách hàng cá nhân cũng không cần đầu tư quá nhiều cho các dịch vụ cao cấp, đắt tiền.
- Phạm vi khách hàng mục tiêu rộng: Số lượng khách hàng có nhu cầu mua sắm lẻ cực kỳ rộng. Đặc biệt, nếu kinh doanh trên thương mại điện tử thì bạn sẽ tiếp cận được lượng khách hàng lớn. Người dùng có thể dễ dàng tìm thấy bạn chỉ qua vài cú click chuột.
- Thu hẹp khoảng cách giữa người mua và người bán: Tiếp thị B2C giúp duy trì mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng tiêu dùng cuối cùng. Công ty có thể gửi các thông điệp, tin nhắn dễ dàng đến người mua hàng.
- Tăng thứ hạng thứ khóa website trên công cụ tìm kiếm: người tiêu dùng cuối rất thường xuyên tìm kiếm thông tin trên Google trước khi đưa ra quyết định mua sản phẩm. Do đó, việc tối ưu hóa website để tạo trải nghiệm tốt cho khách hàng cuối cùng cũng đồng thời làm tăng thứ hạng từ khóa website của bạn trên công cụ tìm kiếm.
- Tăng tỷ lệ chuyển đổi: Tiếp thị B2C có thể thực hiện đồng thời trên nhiều kênh phân phối, nhiều nền tảng khác nhau, tạo nên mạng lưới rộng bao phủ hình ảnh thương hiệu trên thị trường, giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi, thúc đẩy doanh thu cho công ty.
Các hình thức tiếp thị quan trọng của chiến lược B2C
Cả tiếp thị B2B và B2C đều hướng đến mục tiêu tăng trưởng doanh thu cho doanh nghiệp, tiếp cận đến tệp khách hàng tiềm năng và duy trì mối quan hệ lâu dài với họ. Cùng với sự phát triển của Internet, các hình thức tiếp thị trực tuyến của B2C ngày càng phổ biến. Trong Marketing B2C, các doanh nghiệp thường sử dụng các hình thức như:
Email Marketing là phương pháp tiếp cận truyền thống của bất kỳ loại hình kinh doanh nào. Hiện nay, hầu hết các khách hàng cá nhân hay khách hàng doanh nghiệp đều sở hữu Email riêng. Do đó, việc tiếp cận khách hàng qua Email là cách tiếp thị mang lại nhiều hiệu quả cho doanh nghiệp.
Bạn có thể gửi các Email quảng cáo, ra mắt sản phẩm, giới thiệu sự kiện đến khách hàng hoặc dùng Email để duy trì mối quan hệ với khách hàng cá nhân. Chẳng hạn gửi Email chúc mừng sinh nhật, thông báo ưu đãi dành riêng cho khách hàng trung thành…
Tiếp thị trên thiết bị di động
Theo thống kê hiện nay, hơn 50% người dùng sử dụng thiết bị di động để mua hàng. Do đó, các doanh nghiệp cũng đang tối ưu hóa các chiến dịch Marketing cho thiết bị di động, giúp khách hàng có thể dễ dàng mua sắm ở bất cứ đâu chỉ với chiếc điện thoại di động.
Bạn có thể gửi thông báo qua SMS, Email, ứng dụng, nền tảng mạng xã hội đến khách hàng. Đảm bảo họ có thể dễ dàng đặt mua sản phẩm chỉ với một vài thao tác trên điện thoại di động.
Thông báo đẩy Website
Marketing B2C luôn lấy khách hàng tiêu dùng cuối làm trọng tâm của mọi chiến dịch tiếp thị. Do đó, doanh nghiệp cần sử dụng thông báo đẩy website kết hợp với các hình thức tiếp thị khác để đạt hiệu quả cao cho chiến dịch Marketing của doanh nghiệp.
Những thông báo đẩy sẽ được hiển thị trên website mà người dùng đang xem. Họ có thể nhìn thấy các quảng cáo, ưu đãi hấp dẫn ngay trên màn hình họ đang xem. Từ đó có thể thu hút khách hàng phản hồi với quảng cáo của doanh nghiệp ngay lập tức sau khi xem.
Lưu ý: bạn cần thiết kế các ưu đãi thật hấp dẫn, dễ hiểu và có tính thôi thúc mua hàng cao. Như vậy mới giảm thiểu tình trạng khách hàng bỏ qua thông báo của doanh nghiệp ngay lập tức.
SEO
SEO là cách đưa website doanh nghiệp bạn hiển thị ở những TOP đầu trong trang kết quả tìm kiếm khi người dùng search truy vấn liên quan đến sản phẩm doanh nghiệp bạn. Đây là cách đưa Website và thương hiệu của doanh nghiệp đến gần hơn với khách hàng B2C của bạn, bởi khách hàng lên Google tìm kiếm thông tin hàng ngày, hàng giờ.
Khi tìm kiếm trên Google mà thấy website của bạn được hiển thị ở Top đầu, khách hàng sẽ dễ dàng truy cập vào website bạn. Lúc này, nếu website bạn có nội dung hữu ích giải quyết được vấn đề mà người dùng đang gặp phải thì họ sẽ ở lại và mua sản phẩm của doanh nghiệp bạn.
Do vậy, doanh nghiệp B2C không thể bỏ qua SEO website, đây là còn là cách giúp người dùng cảm thấy doanh nghiệp uy tín và an tâm mua sản phẩm của bạn hơn.
Quảng cáo
Song song với các cách tiếp thị tự nhiên như SEO, thì quảng cáo cũng là hình thức tiếp thị B2C hiệu quả. Khách hàng cá nhân sẽ không do dự quá nhiều trước khi chọn mua sản phẩm nên nếu quảng cáo của bạn hấp dẫn, đáp ứng đúng nhu cầu người dùng thì họ dễ dàng click vào xem quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp bạn.
Bạn có thể kết hợp quảng cáo trên công cụ tìm kiếm Google, trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok, Youtube và kết hợp quảng cáo offline: đặt banner, standee quảng cáo tại cửa hàng, siêu thị, tạp hóa…
Các mô hình bán hàng của Marketing B2C
Tại Việt Nam, các mô hình bán hàng B2C ngày càng phổ biến và chiếm nhiều ưu thế. Đặc biệt là các lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu như tạp hóa, siêu thị, quán ăn, đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm… thì càng phải biết đến các mô hình bán hàng B2C.
Để có thể mang lại doanh thu cao và tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường, doanh nghiệp cần lựa chọn những mô hình Marketing B2C phù hợp nhất. Một số mô hình bạn có thể tham khảo:
Bán hàng trực tiếp
Bán hàng trực tiếp tại các điểm bán lẻ, cửa hàng truyền thống là hình thức phổ biến nhất. Người tiêu dùng có thể mua hàng trực tiếp ngay tại điểm bán mà không qua trung gian, khách hàng có thể tự mang sản phẩm về hoặc nhờ vận chuyển tùy theo khối lượng đơn hàng.
Một số điểm bán phổ biến: cửa hàng bán hàng, quầy bán lẻ, kiot…Ví dụ: Thương hiệu sữa Vinamilk có các cửa hàng Vinamilk, các cửa hàng này trực tiếp marketing và phân phối sản phẩm của Vinamilk.
Bán hàng qua nền tảng thương mại điện tử
Ngày nay, các nền tảng thương mại điện tử ra đời và thu hút rất nhiều người mua hàng. Đây là mô hình trung gian, là cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Khách hàng có thể đặt mua sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiktok Shop, Sendo, Tiki…
Việc bán hàng trên đây sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí vận hành bán hàng: không cần tốn chi phí nhân sự, kho bãi để hàng hóa hay cơ sở hạ tầng, kể cả việc vận chuyển hàng hóa cũng do các sàn này trực tiếp đảm nhiệm.
Bán hàng dựa trên quảng cáo
Doanh nghiệp sẽ dựa vào các hình thức quảng cáo để tiếp cận đến khách hàng mục tiêu. Quảng cáo có thể diễn ra trên nhiều nền tảng như báo chí, truyền hình, email, hoặc các kênh social media…
Quảng cáo sẽ hiển thị đến người dùng một cách tự động, khách hàng có thể đang lướt Facebook, xem Tiktok, Youtube hoặc thậm chí lướt web cũng có thể bắt gặp quảng cáo của doanh nghiệp. Quảng cáo sẽ làm tác động đến hành vi, thói quen của khách hàng bằng cách cung cấp các thông điệp thuyết phục mua hàng của doanh nghiệp.
Vì vậy, là 1 doanh nghiệp B2C bạn không thể bỏ qua hình thức tiếp thị nhanh chóng và dễ tạo ra chuyển đổi như hình thức Quảng cáo này.
Ví dụ: thương hiệu Vinamilk quảng cáo cho dòng sữa tiệt trùng mới ra mắt để quảng cáo trên các nền tảng: tivi, các kênh báo và cả trên Facebook Ads, Google Ads…
Bán hàng trên các group cộng đồng
Các hội nhóm cộng đồng gắn kết những người có cùng mối quan tâm, sở thích lại với nhau. Dựa vào đặc điểm này, bạn sẽ tiếp cận được rất nhiều khách hàng tiềm năng trên các group cộng đồng lĩnh vực bạn đang kinh doanh.
Bạn có thể triển khai xây dựng cộng đồng, forum trên Facebook, Instagram hoặc Zalo, cũng có thể tạo ra các diễn đàn hoặc Blog chia sẻ kiến thức hữu ích cho cộng đồng quan tâm. Bên cạnh những bài đăng của thành viên trong nhóm, bạn hãy tạo một số nick clone để seeding cho sản phẩm của bạn, từ đó khách hàng sẽ tin tưởng và biết đến sản phẩm của bạn nhiều hơn.
Thương hiệu thời trang The Ciu tạo ra group “Thanh lý đồ The Ciu” trên Facebook. Mọi người sẽ tham gia tương tác, pass đồ đã mua tại cửa hàng trên group này. Nhờ vậy mà thương hiệu có thể tiếp cận thêm nhiều khách hàng tiềm năng khác.
Tạo website hoặc nền tảng mua hàng tính phí
Doanh nghiệp tạo các Website hoặc nền tảng mua hàng trực tuyến có phí. Người dùng có thể trải nghiệm hoặc dùng thử một vài chức năng cơ bản. Nếu muốn sử dụng lâu dài hoặc trải nghiệm đỉnh cao hơn thì sẽ mua gói có phí.
NetFlix đã sử dụng mô hình kinh doanh B2C này trong thời gian qua. Họ cho phép khách hàng trải nghiệm thử dịch vụ xem phim NetFlix. Sau đó, nếu muốn sử dụng lâu dài hoặc nhiều chức năng hơn thì bắt buộc phải mua gói trả phí.
Phân biệt sự khác nhau giữa mô hình B2C và B2B
Đặc điểm | Marketing B2C | Marketing B2B |
Đối tượng khách hàng | Người dùng cuối cùng | Doanh nghiệp, tổ chức, không phải người sử dụng sản phẩm |
Mục tiêu hướng đến | Tập trung vào khách hàng tiêu dùng cuối cùng, người dùng trực tiếp sản phẩm | Tập trung vào khách hàng doanh nghiệp, là trung gian để đưa sản phẩm đến tay người dùng cuối |
Chu kỳ bán hàng | Cần thời gian ngắn, ra quyết định nhanh chóng | Cần thời gian dài, quyết định được đưa ra bởi người đứng đầu hoặc một nhóm người |
Số lượng đơn hàng | Số lượng đơn hàng nhiều | Số lượng đơn hàng ít |
Giá trị đơn hàng | Giá trị 1 đơn hàng nhỏ | Giá trị 1 đơn hàng lớn |
Quy trình mua hàng | Đơn giản, nhanh chóng, quyết định ngay khi họ thấy sản phẩm đáp ứng được nhu cầu | Phức tạp, cần nhiều thời gian để đưa ra quyết định mua, tạo mối quan hệ để khách hàng tin tưởng doanh nghiệp |
Yếu tố tạo nên giá trị thương hiệu | Khuyến mãi, quảng cáo hợp lý | Sự uy tín, niềm tin, mối quan hệ lâu dài |
Kinh nghiệm triển khai mô hình kinh doanh B2C hiệu quả
Mô hình kinh doanh B2C tập trung hoàn toàn vào từng khách hàng cá nhân. Do đó, doanh nghiệp luôn cần có chiến lược chăm sóc người tiêu dùng cuối cùng tốt. Đồng thời, bạn phải luôn tạo thiện cảm với khách hàng để họ trở thành người bán hàng gián tiếp, giới thiệu các sản phẩm của doanh nghiệp bạn với người quen, bạn bè của họ.
Khi triển khai Marketing B2C, bạn nên lưu ý như sau:
- Luôn nhiệt tình tư vấn, thấu hiểu nhu cầu khách hàng
- Cần có sự kiên nhẫn, lắng nghe
- Kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, đàm phán tốt
- Có thể nắm bắt tâm lý khách hàng tốt
- Luôn đưa ra nhiều chương trình ưu đãi tốt cho khách hàng
- …
Tóm lại, chúng tôi đã chia sẻ những thông tin cơ bản nhất về hình thức Marketing B2C. Đây là xu hướng kinh doanh mang lại nhiều hiệu quả cho doanh nghiệp. Hy vọng bạn sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm xây dựng thương hiệu thành công. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, đừng quên liên hệ cho chúng tôi ngay.
Hãy để lại bình luận